100 người vây bắt người cha thiêu 2 con trong ngày Tết Trưởng công an xã cho biết, tính cả quần chúng nhân dân lẫn lực lượng công an hai cấp xã và huyện, số người trực tiếp tham gia truy lùng và vây bắt người bố tàn ác lên tới gần 100 người. >> Giận vợ, đổ xăng thiêu chết 2 con gái Người cha mất nhân tính Câu chuyện đau lòng bắt đầu từ khoảng 18h30’ chiều tối ngày 14/2 (mùng 5 Tết Quý Tỵ), khi đang cùng gia đình ăn Tết, ông Nguyễn Văn C. (SN 1958, trú thôn Hòa Nhất, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) bỗng thấy từ phía cổng một ngọn lửa bốc cao phả khói đen kịt. Vội vã chạy ra sân, ông C. vấp phải Vũ Duy Hiến là cháu rể của gia đình toàn thân như ngọn đuốc lao vào trong nhà. Bị vấp vào ông C., Hiến chạy ngược ra ngõ, nhảy xuống ao để tự dập lửa rồi mất dạng luôn trong tiết trời lạnh giá và trời đã nhá nhem tối. Người cha mất nhân tính bị bỏng khi thiêu chết hai con. Chưa kịp hiểu sự tình, ông C. và gia đình vội vã chạy tiếp ra đến cổng thì bàng hoàng trước một cảnh tượng vô cùng thảm khốc, phía mé cổng bên phải, hai cháu nhỏ con gái của Hiến là cháu Vũ Thị A. T. (SN 2009) và Vũ Thị T. T. (SN 2011) đang kêu gào giữa ngọn lửa lớn bốc cao ngùn ngụt. Ngay sau đó, một mặt gia đình ông C. cấp báo sự việc lên chính quyền xã Ngũ Đoan, một mặt khẩn trương đưa 2 cháu nhỏ đi cấp cứu tại bệnh viện nhi Hải Phòng. Nhưng do bị bỏng xăng quá nặng, khoảng 1h ngày 15/2, cháu bé lớn đã tắt thở. Đến khoảng 4h sáng cùng ngày, cháu bé thứ hai cũng đã không thể thoát khỏi lưỡi hái oan nghiệt của tử thần. Ngay lập tức, hung thủ của sự việc đáng thương được xác định chính là Vũ Duy Hiến, là bố đẻ của hai cháu nhỏ. Người này bị bắt sau đó không lâu khi đang lẩn trốn tại nhà một người quen cách hiện trường vụ án mạng nghiêm trọng chưa đầy 2km. Trao đổi với PV, ông Vũ Kim Tố - trưởng công an xã Ngũ Đoan vẫn nhớ như in thời khắc kinh hoàng mắt ông chứng kiến vào buổi chiều tối định mệnh ngày 14/2. Ông Tố kể lại: “Tôi nhận được tin báo vào lúc 18h30’ và ngay lập tức điều động toàn bộ anh em đến hiện trường. Trước mắt tôi khi ấy, hai cháu bé nằm co quắp ở góc cổng đã cháy đen, can xăng loại 5 lít chỉ còn một ít nằm cách đó không xa và chiếc xe máy nhãn hiệu Wave Alpha của đối tượng Hiến dùng để di chuyển đổ chỏng gọng ở đầu ngõ. Ngay sau đó chúng tôi cùng người dân đưa hai cháu bé đi bệnh viện cấp cứu, báo cáo sự việc lên cấp trên đồng thời bố trí lực lượng đi vây bắt đối tượng Hiến”. Ông Tố cũng cho biết, tính cả quần chúng nhân dân lẫn lực lượng công an hai cấp xã và huyện, số người trực tiếp tham gia truy lùng và vây bắt người bố tàn ác lên tới gần 100 người. Sau gần 2 giờ triển khai lực lượng, đến khoảng 20h30’ cùng ngày, lực lượng truy bắt đã tóm gọn được Vũ Duy Hiến khi đang trùm chăn nằm co ro giữa gian nhà vắng của người chú ruột ở thôn Hòa Nhất, cách hiện trường vụ việc khoảng 2km. “Lúc chúng tôi ập vào, Hiến toàn thân bị bỏng nặng, nằm rên rỉ trong chiếc chăn dày bốc mùi khét lẹt nên chẳng phản ứng được gì. Chúng tôi cũng mau chóng đưa hắn đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Hiện tại, sức khỏe của người cha thủ ác đã qua cơn nguy kịch song vẫn còn rất yếu”, vị trưởng công an xã cho biết thêm. Được biết, Hiến mua tới 100 nghìn đồng tiền xăng của một trạm xăng tư nhân trên địa bàn xã nhà. Sau khi mua xong, người này đem về nhà cất giấu rồi chọn thời điểm để ra tay. Khi thấy thời điểm đã đến, Hiến điều khiển xe máy chở hai con nhỏ từ nhà mình đến nhà ông C. rồi thản nhiên tẩm xăng đốt chết hai cháu. Trong lúc gây tội ác tày trời, do bị xăng bắn vào người nên chính bản thân Hiến cũng bị bỏng nặng, đặc biệt từ thắt lưng trở xuống. Giết hai con vì ghét vợ Hai vợ chồng Hiến kết hôn với nhau từ năm 2009 và có với nhau được hai mặt con, kinh tế gia đình ở địa phương thuộc loại trung bình. Hiến là người gốc ở thôn Tiền Anh, được bố mẹ cho một mảnh đất nhỏ ở sát bên để xây nhà ra ở riêng ngay từ khi mới cưới vợ. Trước khi lập gia đình, chị Q. làm công nhân may tại một xí nghiệp may da giầy trên địa bàn quận Dương Kinh. Từ khi lập gia đình, sinh liền hai cô con gái, Q. tạm nghỉ việc ở nhà nuôi con. Từ gần 1 năm nay chị Q. góp vốn với mẹ và chị gái hiện đang sinh sống bên Trung Quốc để đánh hàng về buôn bán lấy chênh lệch, tuy nhiên lời lãi không được là bao. Còn về phần Hiến, trước đây anh ta hành nghề lái ô tô, chở thuê cho các DN trên địa bàn nội thành Hải Phòng. Tuy nhiên, kể từ khi vợ sinh cô con gái thứ 2, Hiến đâm ra đổ đốn, ngày đêm sa chân vào cờ bạc nên làm được đồng nào lại nướng hết vào các trò đỏ đen, vợ chồng Hiến thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Căng thẳng đến tột cùng, sáng ngày 9/2 (tức 29 Tết Quý Tỵ), chị Q. từ nhà chồng về lại nhà bố mẹ đẻ xin được về ăn Tết tại nhà. Chiều cùng ngày, Hiến đưa cô con gái thứ hai cùng quần áo của hai mẹ con về trả cho ông bà ngoại. Theo bố đẻ chị Q., trong mấy ngày Tết không thấy con rể qua lại nhà chúc Tết như mọi khi, ông có hỏi thì con gái chỉ tâm sự rằng hai vợ chồng mâu thuẫn. Sáng 14/2, Hiến chở theo cô con gái lớn từ nhà tại thôn Tiền Anh sang thôn Hòa Nhất để tìm vợ và con, tuy nhiên cả hai đi vắng. Khoảng gần 18h30 cùng ngày, Hiến đã giành lại được cô con gái thứ hai từ tay vợ, đưa lên xe máy chạy đến nhà ông Nguyễn Văn C. rồi nhẫn tâm đốt chết hai con của mình. (Theo Infonet) Sáng 19/2, Thượng tá Phạm Duy Diên, người phát ngôn CA TP. Hải Phòng cho biết đối tượng Vũ Duy Hiến - người thiêu chết 2 con gái hôm mồng 5 Tết đã tử vong vào chiều 18/2 sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Do vậy, cơ quan điều tra không tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Duy Hiến. (Theo ANTĐ)
Thiếu nữ về nhà 4 năm mất tích: Cha nuôi nói gì? Thật tình cờ, ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, bà Lê Thị Điệp (61 tuổi), kẻ chủ mưu đào bới, đập phá nhà bà Nguyễn Thị Ngàn để tìm xác em Trâm vì cho rằng cha nuôi em đã “giết người, giấu xác” đã được trả tự do sau hơn 3 năm chấp hành án tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Và ngay sáng mùng 6 Tết, Nguyễn Thị Trâm, nhân vật mất tích bí ẩn, đã đón xe từ quận 5, TP. HCM (nơi em đang làm thuê) về thẳng UBND xã Tân Hội để xin làm chứng minh nhân dân. Sự xuất hiện của cô gái mà hàng ngàn người tin rằng đã chết này lại một lần nữa làm chấn động dư luận tại địa phương. Từ ngôi nhà cách UBND xã hơn 2km, cha nuôi cô gái được mời tới để nhận diện con. Ông muốn Trâm về nhà gặp ông bà nội nuôi nhưng cô bé ngần ngại, phần vì “sợ” ông bà, phần vì sợ nhiều người tụ tập, bàn tán, cô muốn ông bà nội đến UBND xã nhưng cha nuôi không chịu. Vài tiếng sau, Trâm đón xe quay trở lại TP.HCM và hứa sẽ sớm về gặp mặt ông bà. “Giận thì giận mà thương thì thương” Ông Chế Văn Thanh, cha nuôi của Trâm và là người mang tiếng oan động trời là hiếp con nuôi rồi giết chết, tiếp xúc chúng tôi với vẻ điềm nhiên, vững vàng của một người từng trải. Ông cho biết gia đình rất vui mừng khi hay tin con gái nuôi trở về. Sau khi bé Trâm đi được một thời gian, những lời đồn thổi ác ý đã thu hút hàng ngàn người hiếu kì trong và ngoài tỉnh tụ tập đến xem. Những thiệt hại về vật chất do ngôi nhà, khu vườn bị đào bới, đập phá thì ít nhưng những đau đớn, mất mát về tinh thần thì to lớn và không thể nào bù đắp nổi. “Bây giờ mừng nhất là bà nội đã đỡ lại, huyết áp đã bình thường, da dẻ hồng hào và khỏe mạnh hơn” – ông Thanh khoe. Rồi ông kể tiếp: “Nhớ hồi đó con Trâm mới đi, từ một người không có tiền sử huyết áp, mẹ tui bị cao huyết áp rồi tai biến dồn tới, chỉ sau vài tháng bà phải chống gậy mới đi lại được. Tui nhìn bà mà thương xót và giận con Trâm dữ lắm”. Trâm đang làm việc với Công an Ông Thanh vui vì từ ngày Trâm về làm chứng minh nhân dân, đa số bà con hàng xóm, ai gặp cũng vỗ vai chúc mừng “vì gia đình tết này niềm vui nhân đôi". “Cái mừng nhất là giải tỏa được dư luận. Trước đây nhờ chính quyền địa phương đứng ra vận động, tuyên truyền, mọi việc cũng dần sáng tỏ và tiếng oan “giết cháu, giấu xác” cũng đỡ bớt. Nhưng phải chờ tới bây giờ trắng đen mới rõ ràng” – ông Thanh nói. Nhớ lại biến cố xảy ra cách đây 4 năm, ông Thanh cho biết: “Lúc con bé bỏ đi, gia đình bức xúc dữ lắm. Tui nói với bà con trong xóm là tui đi Sài Gòn hoài, hễ mà thấy con nhỏ là tui tóm cổ về liền. Nhưng nói vậy chớ sao mà thấy được, trên đó đất rộng người đông. Bây giờ nghĩ lại thấy con nhỏ cũng đâu sai gì dữ lắm. Nó đi khỏi nhà mà không nói gì với người lớn chớ đâu có làm gì phạm pháp, sai trái đâu. Mà hồi đó nó chưa được 18 tuổi, vẫn còn “ăn chưa no, lo chưa tới” mà”. Nói về mong muốn lớn nhất của gia đình hiện nay, ông Thanh cho biết vừa đề nghị với chính quyền và công an địa phương tổ chức một buổi họp dân và Trâm sẽ “ra mắt”. “Vì người thật, việc thật chắc chắn là hay hơn nhiều so với những lời đồn thổi” – ông Thanh nói thêm. “Muốn mang tiền về cho nội”. Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1993 trong một gia đình nghèo. Lên 5 tuổi cha Trâm mang con tới nhờ ông Quân, bà Ngàn (ngụ xã Tân Hội, Cai Lậy Tiền Giang) nhờ nuôi rồi bỏ đi biệt tích. Trên giấy tờ, bà Ngàn là mẹ nuôi nhưng Trâm thường ngày vẫn gọi là bà nội. Tiếp xúc với chúng tôi qua điện thoại, em chia sẻ đã để dành được hơn 10 triệu đồng và muốn đem tiền đó về cho bà. “Vì đi làm đã được lo cho đầy đủ và không xài tới số tiền đó”. Em cũng rất cảm động, thấy thương bà nội vì những việc đã xảy ra bởi phần nào cũng do lỗi của mình. Trâm cho biết, mấy đêm nay em không ngủ được và phải dùng thuốc ngủ mới được yên giấc. Nói về ngày trở lại nhà ông bà, Trâm cho biết vì đầu năm công việc bận rộn nên phải chủ nhật tuần này (23/2) em mới về thăm nhà và mong không còn ai hiếu kì, đồn thổi chuyện không hay đến với gia đình em nữa. Thượng tá Nguyễn Văn Tảo, Trưởng Công an huyện Cai Lậy cho biết, thông qua báo chí người dân đã biết rõ phần nào sự thật về việc mất tích của em Nguyễn Thị Trâm. Tới đây, Công an và Chính quyền địa phương sẽ tiến hành họp chi bộ ấp và thông tin chính thức về vấn đề này. Việc họp dân để em Trâm “ra mắt” sẽ được tiến hành nếu cần thiết. Diễn biến chính vụ việc: Ngày 19/3/2009, em Nguyễn Thị Trâm mất tích cùng số tư trang bà cho và không để lại lời nhắn gửi hay bất kì giấy tờ gì. Trong 2 ngày 3 - 4/6/2009, hàng ngàn người tới đập phá, đào bới nhà cửa, chuồng heo, khu vườn nhà bà Ngàn để tìm thi thể Trâm vì tin lời đồn giết người, giấu xác. Đầu tháng 7/2009, Công an huyện Cai Lậy khởi tố 12 đối tượng vì tội gây rối trật tự công cộng. Tháng 4/2010, TAND huyện đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Lê Thị Điệp (kẻ chủ mưu và là hàng xóm bà Ngàn) 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 – 3 năm tù. Ngày 15/2/2013 (mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Tỵ), Trâm trở về làm chứng minh nhân dân sau khi nghe bạn cùng quê kể về những chuyện “nổi đình nổi đám” xảy ra với ông bà từ ngày em bỏ nhà ra đi. Hưng Thịnh - Nguyễn Vinh
Người Trung Quốc thuê đất trồng lúa: Nhiều bất thường Người Trung Quốc thuê đất trồng lúa: Nhiều bất thường Theo cán bộ Viện Nông nghiệp Miền Nam thì người đàn ông Trung Quốc chỉ là chuyên gia được thuê mướn. Tuy nhiên, người dân khẳng định ông Lji Wen mới là người chi tiền thực hiện dự án... Đem giống nhiễm rầy về “khảo nghiệm”! Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, ngày 19/2, thạc sĩ Trương Quốc Ánh – Phó phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nông nghiệp Miền Nam (Bộ NNPTNT) đã đến Sở NNPTNT Long An để làm việc xung quanh vụ “lúa lai” mà chúng tôi đã thông tin. Ông Ánh là người phối hợp với ông Trần Minh Nhu (cán bộ đang công tác Công ty Giống cây trồng Miền Nam) và ông Lji Wen Jiang để thực hiện Dự án Nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc. Ông Jiang (trước) và ông Nhu chăm sóc lúa (ảnh chụp ngày 17/2). Theo ông Ánh, giống lúa lai mà ông Wen đang trồng được Bộ NNPTNT cho phép, còn ông Jiang là chuyên gia thực hiện dự án. Ông Lê Minh Đức đã yêu cầu ông Ánh xuất trình giấy tờ liên quan đến giống lúa cũng như hợp đồng thuê mướn chuyên gia. Ngoài ra, ông Nhu phải hợp tác với Sở để làm rõ một số vấn đề như tại sao trồng khảo nghiệm không báo địa phương, yếu tố người nước ngoài… Tuy nhiên, ông Ánh chưa cung cấp được giấy tờ và ông Nhu cũng chưa xuất hiện… Theo thông tin do ông Ánh cung cấp với phóng viên, giống lúa lai mà ông Nhu và ông Lji Wen Jiang đang trồng tại Long An là giống lúa lai Dương Hưu của Trung Quốc. Điểm yếu của giống lúa này là dễ nhiễm rầy, nhưng đã được Đại học Tứ Xuyên chuyển gen kháng rầy nâu vào giống. Giải thích lý do vì sao ông Lji Wen Jiang thuê đất trồng khảo nghiệm lúa lai mà không thông báo cho địa phương, hay liên hệ với Sở NNPTNT tỉnh, ông Ánh cho biết vì trồng thử đầu tiên ở miền Nam với quy mô nhỏ nên không thông báo. Khi nào sản xuất ổn định rồi sẽ đặt vấn đề với tỉnh Long An để sản xuất với quy mô lớn, với nhiều nông dân, khi đó sẽ liên hệ với Sở NNPTNT để được hỗ trợ. Do mới làm vụ đầu, diện tích ít, rồi không biết giống có phù hợp hay không… nên làm trực tiếp với dân. Ai là ông chủ? Trước đó, ngày 18/2, Sở NNPTNT đã phối hợp với ngành chức năng huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra 1,4ha đất đang trồng lúa lai tại ấp 1 (xã Hòa Phú. Diện tích đất này của ông Nguyễn Văn Bền và bà Trần Thị Thật cùng ngụ ấp 1 cho thuê với giá 30 triệu đồng/ha/mùa, cao gấp đôi so với giá thuê đất trồng lúa tại địa phương. Hiện nay, cánh đồng lúa giống này đã trổ đều, cao dàn hơn so với lúa địa phương. Tại thời điểm kiểm tra, “lúa cha” cao hơn “lúa mẹ” khoảng 15 – 20cm. Tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Đậm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành nói: “Nhóm người này (nhóm ông Jiang – PV) thuê đất không đăng ký với chính quyền địa phương nên chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Việc đơn vị thuê đất khảo nghiệm giống mới mà không đăng ký có thể gây tác động xấu đến sản xuất tại địa phương. Phấn hoa từ giống lúa lai này có thể bay sang lúa địa phương hiện cũng đang sắp trổ, từ đó có thể gây lai tạp giống”. “Lúa lai lâu nay chỉ phổ biến ở miền Bắc vì khí hậu tương đối giống Trung Quốc. Tại miền Bắc, năng suất lúa lai cao hơn lúa trong nước khoảng 5 - 10% nhưng nhược điểm dễ nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, người làm lúa lai luôn lệ thuộc giống vào nhà cung cấp vì từ F2 trở đi chỉ để ăn chứ không làm giống được” - GS-TS Võ Tòng Xuân. Ông Bền kể, do ông không biết tiếng Hoa nên giao dịch với ông Jiang bằng tiếng Anh “pha” tiếng Việt. Dù hợp đồng do ông Nhu đứng tên nhưng mọi giao dịch tiền bạc từ thuê đất đến thuê nhân công đều do ông Jiang chi trả. Trao đổi với PV, cả ông Jiang và ông Nhu đều khẳng định, ông Jiang mới là “ông chủ” trồng lúa. Ngày 19.2, chúng tôi quay lại đồng lúa thì ông Wen và ông Nhu không còn tại đây. Liên hệ với số điện thoại 0733507975 mà ông Nhu ghi trong hợp đồng thuê đất, chúng tôi chỉ nhận được tín hiệu “số máy này không có thật”. Chúng tôi liên hệ với tổng đài thì được biết số này là số nhà riêng của một người dân tên Phạm Văn Mão ở Tiền Giang nhưng ông Mão đã cắt điện thoại ngừng sử dụng từ lâu. Có thể xử phạt tối đa 30 triệu đồng Trao đổi với PV ngày 19/2 về việc "Người Trung Quốc thuê đất trồng lúa lạ", ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Chúng tôi mới nắm được thông tin từ báo phản ánh nên sẽ có văn bản yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Long An kiểm tra, làm rõ sự việc và báo cáo lại Bộ NNPTNT. Do sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An nên sẽ do đơn vị Sở NNPTNT và tỉnh Long An điều tra làm rõ, nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương xử lý nghiêm". Theo ông Quảng, đối với giống cây trồng từ nước ngoài muốn đưa vào Việt Nam để khảo nghiệm trước hết phải có giấy phép nhập khẩu. Mặt khác, các loại giống cây trồng muốn tiến hành khảo nghiệm phải được cấp phép mới được tiến hành khảo nghiệm, trong đó 4 cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, đậu tương) muốn khảo nghiệm phải tiến hành khảo nghiệm quốc gia. Tức là, cây lúa muốn tiến hành khảo nghiệm phải đăng ký với cơ quan trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng của trung ương. Trường hợp giống "lúa lạ" như Báo NTNN phản ánh chưa được cấp phép đã tiến hành khảo nghiệm là vi phạm pháp luật. Ông Quảng cũng cho biết, tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hành vi khảo nghiệm giống lúa của người Trung Quốc chưa được cấp phép theo quy định tại Nghị định số 57/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, với mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 30 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, tùy từng tính chất mức độ có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất những giống cây trồng nhập khẩu ngoài danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc không được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ NNPTNT. (Theo Dân Việt)